Tập đoàn Trường Thịnh đã ghi dấu ấn trên nhiều công trình giao thông trọng điểm tại nhiều địa phương trong cả nước. Đường xuyên vùng cát trắng phía Nam tỉnh Quảng Bình do Trường Thịnh thi công. Sau 25 năm hình thành và song hành cùng ngành GTVT, từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ, Trường Thịnh hiện đã vươn lên trở thành tập đoàn kinh tế hoạt động đa ngành nghề, từng bước khẳng định thương hiệu của mình trong nhiều lĩnh vực, nhất là xây dựng các công trình giao thông. Với “bàn tay, khối óc”, sự nỗ lực hết mình, những cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động của Tập đoàn Trường Thịnh đã ghi dấu ấn trên nhiều công trình giao thông trọng điểm tại nhiều địa phương trong cả nước. Lần đầu bước vào sân chơi lớn và danh hiệu 4 nhất đường Hồ Chí Minh Nhớ lại thời điểm của 25 năm trước, chỉ là một doanh nghiệp tư nhân nhỏ, ngày 11/11/1994, Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh chính thức được thành lập và tham gia vào ngành GTVT, ông Lưu Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết: Ban đầu, Trường Thịnh chỉ có vài kỹ sư và hơn ba chục công nhân lao động, xe máy, thiết bị chỉ hơn chục chiếc, thi công chủ yếu các công trình nhỏ lẻ trên các lĩnh vực thủy lợi, điện, giao thông nông thôn, thậm chí chấp nhận làm thuê cho doanh nghiệp khác để... học hỏi kinh nghiệm. Nhưng với ý chí, sự quyết tâm, Trường Thịnh đã hoàn thành đạt chất lượng nhiều công trình như: Đập thủy lợi Khương Hà, đê hữu Gianh, đê hữu Lý Hòa, đường vào Nhà máy phân lân vi sinh Sông Gianh, đường liên xã Quảng Phương - Quảng Long - Quảng Lưu, thi công hệ thống điện lưới phục vụ dân sinh tại các xã thuộc địa bàn huyện Quảng Trạch và huyện Lệ Thủy... Hai năm sau, Trường Thịnh bắt đầu tiếp cận được các công trình giao thông có quy mô lớn hơn như thi công đường hai đầu các cầu Gianh, cầu Quán Hàu, Cầu Hiền Lương, Đông Hà. Trường Thịnh cũng tiếp tục có tên trong danh sách trúng thầu nhiều dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao hơn, các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, của quốc gia như: Gói thầu R1 thuộc Dự án Hành lang Đông - Tây đường Xuyên Á, tỉnh Quảng Trị (công trình đấu thầu quốc tế), đường nối đảo Mũi Ông - Hòn Cỏ, đường về Đồng Lê - Minh Cầm - Khe Nét - Khe Ve - Cha Lo, QL12A... và nhiều công trình khác. Đặc biệt, năm 2000, Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Trường Thịnh được Bộ GTVT lựa chọn là Liên danh chính trong Liên danh Xây dựng Quảng Bình thi công đoạn Nam cầu Xuân Sơn - Bắc cầu Đá Mài thuộc dự án đường Hồ Chí Minh. Đây được xem là bước ngoặt phát triển trong năm bản lề của công ty. Lần đầu bước ra “sân chơi lớn” với các “bậc đàn anh”, do là công ty tư nhân nên Trường Thịnh đã chủ động kết hợp với hai doanh nghiệp khác để hoàn thiện thủ tục pháp nhân, thực hiện gói thầu trị giá 145 tỷ đồng. Suốt ba năm triển khai dự án, Trường Thịnh đã đưa dự án về đích đúng tiến độ. Nhưng điều vinh dự mà tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân tại công trình đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh do Trường Thịnh thi công được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá là một trong ba đoạn tuyến “4 nhất” (nhanh nhất, đẹp nhất, chất lượng nhất và an toàn nhất) trên toàn tuyến của dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh và là một trong bốn đơn vị được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Hiện, đoạn đường này vẫn đang đảm bảo chất lượng sau nhiều năm đưa vào khai thác. Vươn lên thành Tập đoàn kinh tế lớn Từ thành công ở dự án đường Hồ Chí Minh, năm 2003, một lần nữa Trường Thịnh thử sức tham gia đấu thầu quốc tế. Lúc bấy giờ, dự án xây dựng Tuyến tránh TP Đông Hà - đường nối dài QL9 giao QL1 được Chính phủ phê duyệt, triển khai trên cơ sở nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là dự án đầu tiên Trường Thịnh tham gia đấu thầu quốc tế cùng các tổng công ty xây dựng giao thông lớn trong và ngoài nước. Dù vẫn là doanh nghiệp tư nhân, chưa thực sự có tên tuổi nhưng Trường Thịnh vẫn mạnh dạn liên danh với nhà thầu WKK (Nhật Bản), nộp hồ sơ dự thầu. Với những dấu ấn tốt đẹp mà Trường Thịnh có được từ các dự án trước, liên danh nhà thầu Trường Thịnh - WKK đã xuất sắc trúng thầu thi công gói thầu số R1-NH9 (một trong những gói thầu lớn của dự án phát triển Hành lang giao thông Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị) có giá trị 131,63 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, Trường Thịnh cũng tham gia xây dựng mới 10 km đường QL6 đoạn Hòa Bình - Sơn La (vốn Trái phiếu Chính phủ); Thi công dự án QL12C nối cảng Vũng Áng với biên giới Việt - Lào, Dự án nâng cấp QL12A; Dự án XD QL4G-Sơn La; Các gói thầu thuộc dự án cải tạo, nâng cấp QL279-Lạng Sơn... Từ chỗ chỉ là nhà thầu phụ, năm 2009, Trường Thịnh đã vươn lên thành tập đoàn xây dựng với giá trị các dự án đã thực hiện đạt hàng chục nghìn tỷ đồng. Không chỉ có vậy, từ năm 2005, Trường Thịnh tiên phong đầu tư và tự thực hiện hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT như: Dự án BOT đường tránh TP Đồng Hới (hoàn thành năm 2010), BOT mở rộng QL1 đoạn từ TP Đông Hà đến TX Quảng Trị (hoàn thành năm 2014). Gần đây nhất là dự án BOT QL1 đoạn Quảng Ninh - Lệ Thủy (đường tránh khu vực ngập lụt) và Dự án BOT nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Gio Linh - TP Đông Hà. Đặc biệt, hiện Trường Thịnh đang triển khai thi công dự án BT đường cao tốc Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan với tổng số vốn đầu tư các dự án trên 4 nghìn tỷ đồng. Một trong những dấu ấn đậm nét mà Trường Thịnh đạt được, đó là tháng 10/2013, trong lúc đang gấp rút triển khai thi công các dự án trọng điểm của ngành GTVT, Tập đoàn Trường Thịnh đã được Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Bình tin tưởng, giao trọng trách thi công đường vào khu vực kỹ thuật, sân bãi phục vụ cho Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến. Với tình cảm của những người con quê hương dành cho Đại tướng, với trách nhiệm và tinh thần tốc chiến, dù trong điều kiện mưa lũ rất khó khăn, nhưng trong 80 giờ làm việc không mệt mỏi, những cán bộ, kỹ sư và công nhân lao động của Tập đoàn Trường Thịnh đã hoàn thành hơn 2,1 km đường và hơn 10 nghìn m2 sân bãi, khu kỹ thuật, phục vụ tốt cho Lễ an táng Đại tướng. Tiên phong trong đầu tư phát triển du lịch Dù đạt khá nhiều thành công trong lĩnh vực xây dựng giao thông, song Ban lãnh đạo Tập đoàn Trường Thịnh vẫn luôn nung nấu, ấp ủ dự định khai phá những tiềm năng thế mạnh của quê hương Quảng Bình. Từ những trăn trở đó, năm 2002, Tập đoàn Trường Thịnh bắt tay vào dự án đầu tư Khu du lịch Mỹ Cảnh, nay là Sun Spa Resort tại bán đảo Bảo Ninh, bên kia bờ sông Nhật Lệ, một vùng đất quanh năm chỉ có nắng, gió và những cồn cát trắng được ví như nàng tiên ngủ quên. Sau hơn 20 tháng thi công, đến tháng 12/2004, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và chính thức khai trương đưa vào hoạt động với 234 phòng nghỉ tiêu chuẩn quốc tế 5 sao với các dịch vụ giải trí cao cấp khép kín. Năm 2010, Trường Thịnh tiếp tục đưa vào khai thác khu villa cao cấp, có hơn 30 villa với hơn 60 phòng ngủ, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Cũng trong năm 2010, cái tên Trường Thịnh lần thứ hai được biết đến khi Khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường được đưa vào khai thác. Đây là hang động được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận như “Động có cầu gỗ dài nhất”, “Động khô dài nhất có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất” là Đệ nhất động của Việt Nam và châu Á. Từ khi đưa vào khái thác đến nay, Động Thiên Đường đã trở thành địa chỉ đỏ của khách du lịch, hàng năm đón hàng trăm nghìn lượt khách trong nước, quốc tế. Việc mạnh dạn đầu tư các dự án phát triển du lịch của Trường Thịnh không chỉ tạo dấu ấn cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh Quảng Bình mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 700 lao động là con em quê hương Quảng Bình. Đến nay, Trường Thịnh cũng đã đi đầu trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể làm việc trong các khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 -5 sao cho ngành Du lịch Quảng Bình. Hiện, trên 1 nghìn cán bộ nhân viên có tay nghề cao được chính Sun Spa Resort của Tập đoàn Trường Thịnh đào tạo. Ngoài ba lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng các công trình giao thông, Kinh doanh có thu phí các dịch vụ sử dụng công trình và du lịch, hiện, Trường Thịnh đang tiếp tục đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị mới Bảo Ninh, TP Đồng Hới với số vốn đầu tư hơn 650 tỷ đồng; Khu nghỉ dưỡng tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình gần nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến trị giá hơn 500 tỷ đồng và đang hướng tới các dự án khác trị giá hàng trăm triệu USD.
Văn Thanh